Ngoc Hoa Temple @ San Jose, California

Tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Giác Lượng

Cuộc đời và đạo nghiệp của Trưởng lão Hòa thượng Giác Lượng là tấm gương sáng về ý chí tinh tấn hành trì giáo pháp, lòng từ bi phổ độ chúng sanh và nhiệt huyết hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc. Từ lúc bắt đầu nhận diện thế giới, Ngài đã giác ngộ chữ DUYÊN hiện hữu thật rõ ràng trong cuộc đời và đã vận kết các pháp lành để tăng trưởng THIỆN DUYÊN – PHÁP DUYÊN mang lợi lạc đến khắp pháp giới chúng sanh.

Trong cuộc đời, Ngài đã gánh vách nhiều trọng trách, sau đây là các trọng trách liên hệ đến Phật giáo nói chung và Phật giáo Khất sĩ nói riêng:

– Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

– Viện trưởng Viện Hành đạo Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

– Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ – Đặc trách Giải trừ pháp nạn.

– Chứng minh tối cao Giáo đoàn III – Hệ phái Phật giáo Khất sĩ.

– Viện chủ khai sơn Tổ đình Giác An, Tịnh xá Pháp Duyên tại thành phố Fresno, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

I. GIA THẾ

Hòa thượng Giác Lượng, thế danh là Đinh Ngọc Thanh, bút hiệu Tuệ Đàm Tử, sinh ngày 11 tháng 10 năm Ất Hợi (1935), tại làng Bằng Châu, xã Đập Đá, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngài là người con thứ năm và cũng là con trai lớn trong gia đình có 12 chị em.

Thân phụ của Ngài là Cụ ông Đinh Trấp, pháp danh Thiện Vinh và thân mẫu là Cụ bà Phạm Thị Két, pháp danh Như Bình. Cụ bà vốn là cháu của Hòa thượng Bích Liên, một bậc Cao Tăng của Phật giáo Việt Nam. Được sinh ra trong gia đình thuần chất đạo Phật nên ngay từ nhỏ Ngài đã được sống trong môi trường lương thiện, được nghe lời kinh tiếng kệ, và thường được cha mẹ đưa về chùa lễ Phật hầu pháp chư Tôn đức Tăng tại Tổ đình Bích Liên (thôn Háo Đức, xã An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ngài Chơn Giám (tức Hòa thượng Bích Liên) ban cho Ngài pháp danh là Hồng Cát và cho theo học pháp với Y chỉ sư là Thượng tọa Thích Huyền Ấn. 

Sanh nhằm thời Pháp thuộc, đời sống vô vàn khó khăn, việc học chữ cũng vô cùng gian nan, nhưng vì hiếu học, nên Ngài nên được các Thầy thương dạy, khuyến khích học hết chương trình cấp II và sau đó tự mình cố gắng trau dồi, lập chí học hỏi liên tục.   

Năm 1955, vâng lời cha mẹ lập gia thất, sống hạnh cư sĩ tại gia vừa chăm sóc phụng thờ cha mẹ, vừa làm tròn bổn phận người cha hiền, mẫu mực.

II. NHÂN DUYÊN HỌC ĐẠO VÀ XUẤT GIA

Hạnh cư sĩ: Năm 1959, nhân duyên Đức Thầy Giác An về hành đạo ở miền đất Bình Định, Ngài có duyên được học pháp và được Đức Thầy một lần nữa ban cho pháp danh Thiện Nhẫn.

Năm 1960, với lòng tín tâm phụng trì Tam bảo không mỏi mệt nên các Phật tử quanh vùng đã đề cử Ngài làm Trưởng ban Hộ trì cho Tăng đoàn Khất sĩ hành đạo tại xã Đập Đá. Để tạo cơ sở cho Đức Thầy và Tăng đoàn hành đạo, Ngài đã về cầu thỉnh thân phụ cùng gia đình phát nguyện hiến cúng lô đất tư tại làng Bằng Châu và tất cả đã đồng thuận như ý. Đức Thầy hoan hỷ thu nhận, kiến tạo một ngôi tịnh xá tại làng Bằng Châu, đặt tên là Tịnh xá Ngọc Duyên và Ngài được được bầu làm Trưởng ban vận động xây cất Tịnh xá Ngọc Duyên.

Năm 1961, Ngài phát tâm ăn chay trường, tập sống hạnh xuất gia, tinh tấn huân tu các thiện pháp. Khi tịnh xá xây dựng được hơn 60%, Ngài dõng mãnh xuất gia, nên vào ngày 12 tháng 4, Ngài đã từ biệt thân quyến và Phật tử đi vào Tịnh xá Ngọc Tòng (xã Lương Sơn, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để xuất gia tu học.

Phát tâm xuất gia: Hơn một năm siêng năm tu học, công phu, công quả, năm 1962 Ngài được Đức Thầy chứng minh truyền giới Sa-di trong Lễ Tự tứ  – Vu lan tại Tịnh xá Ngọc Cát (thị xã Châu Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Lúc bấy giờ, Hệ phái theo lệ đổi Tăng, mỗi vị cần tập chu toàn công tác Phật sự tại mỗi địa phương trú xứ, nên sau lễ thọ giới, từ năm 1963-1965, Ngài được bổ nhiệm trụ xứ nhiều đạo tràng tịnh xá miền Trung.

Năm 1966, hơn năm năm trui rèn giới đức, pháp lý nhuần thông, trong Lễ Tự tứ – Vu lan tại Tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Ngài được xét duyệt cho phép lãnh thọ Cụ túc giới Tỳ-kheo. Kể từ đây, Ngài càng phát nguyện lập chí tu hành, lại vốn duyên lành sẵn có, Ngài thuyên chuyển khắp các trú xứ hành đạo.

III.  ĐỘ SANH VÀ PHỤNG SỰ PHẬT GIÁO TRONG NƯỚC

Từ năm 1967-1969, Ngài được bổ nhiệm trụ xứ nhiều ngôi tịnh xá: TX. Ngọc Đà (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), TX. Ngọc Cát (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), TX. Ngọc Bảo (Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), TX. Ngọc Pháp (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), TX. Ngọc Phú (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), TX. Ngọc Duyên (Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), TX. Ngọc Hạnh (tỉnh Kontum), TX. Ngọc Phúc (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), TX. Ngọc Quang (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Năm 1968, Ngài được đặc cách Trụ trì TX. Ngọc Duyên để vận động xây cất hoàn toàn nơi địa điểm mới tại ranh giới thôn Phương Danh và thôn Bả Canh (thị xã Đập Đá hiện nay). Vào lúc này, Ngài lại được chính quyền và bà con đề cử làm Trưởng ban Từ thiện Xã hội, vận động tài vật, lương thực, áo quần, chăn mền và dụng cụ nông nghiệp để ủy lạo cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc Tết Mậu Thân tại địa phương huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 1970, Ngài được bầu làm Trị sự trưởng Giáo đoàn III Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam Trung phần, một trong ba Trưởng đoàn Du Tăng hành đạo, thuyết pháp khắp nơi tại các cơ sở, tịnh xá và nhiều nơi công cộng khắp miền Trung.

Năm 1971, Ngài được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Giáo đoàn III tham dự Đại hội Khoáng đại Toàn quốc, Thành viên Ủy ban Soạn thảo Hiến chương Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam kiêm nhiệm Vụ Xã hội của Giáo đoàn III.

Năm 1972, vì chiến cuộc “Mùa hè đỏ lửa” ở miền Trung, Ngài thành lập Ủy ban Từ thiện Xã hội đặc biệt tại tỉnh Khánh Hòa để vận động cứu trợ đồng bào từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Pleiku, Kontum chạy dồn vào tỵ nạn từ Nha Trang đến Phan Thiết, nhất là nhiều trạm tạm cư tại TP. Nha Trang.

Năm 1974-1978, Ngài chăm lo Phật sự trong trọng trách Phó Tổng Thư ký Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, nhiệm kỳ II, đồng thời làm Trị sự trưởng kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III.

IV. ĐỘ SANH VÀ PHỤNG SỰ PHẬT GIÁO Ở HẢI NGOẠI

Năm 1981, Ngài định cư ở Mỹ và bắt đầu giai đoạn hoằng pháp ở các nước phương Tây. Trong năm này, Ngài đã hỗ trợ chung lo Phật sự với Hòa thượng Pháp chủ Pháp sư Giác Nhiên hành đạo.

Năm 1982, cơ duyên hoằng pháp hành đạo ở miền Bắc California thuận thời, Ngài thành lập đạo tràng tại thành phố San Jose, thuộc tiểu bang Califonia, đặt tên là Tịnh xá Pháp Duyên. Ban Hộ trì Tam bảo và Hiệp hội “Vietnamese Bhikkhu Buddhist Association Temple Phap Duyen” được chính thức thành lập do Ngài đứng tên.

Năm 1983, trong Đại hội của Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới, tổ chức tại Tổ đình Minh Đăng Quang, quận Cam (Orange County), Giáo hội đã công cử Hòa thượng giữ trọng trách Viện trưởng Viện Hành đạo Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

Năm 1984, Ngài xuất bản đặc san Pháp Duyên mỗi quý.

Năm 1985, Ngài làm Vụ trưởng Vụ Xã hội, chăm lo vấn đề uỷ lạo, cứu trợ đồng bào các trại tỵ nạn Đông Nam Á.

Năm 1986, Ngài được tấn phong vào hàng Thượng toạ; Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Nguồn Sống và tạp chí Pháp Duyên; Thành lập chương trình Phát thanh Phật giáo hàng tuần trên đài tiếng nói “Mẹ Việt Nam” thời gian gần 4 năm, và  phát trên đài “Quê hương” hơn 12 năm. Đây cũng là năm thứ 5 định cư tại hải ngoại, Ngài quay trở lại Philipines để ủy lạo đồng bào tỵ nạn tại hai trại Palawan và trại Bataan. Cũng trong năm này, Ngài được đề cử làm Phó Chủ tịch Điều hành Hội An Việt (An Viet Foundation) tại Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1986-1990.

Năm 1987, Ngài tổ chức phái đoàn uỷ lạo đồng bào tỵ nạn tại các trại ở Thái Lan như Panat Nikhom, trại Klong Yai, trại Site II Banthad, trại Krang Yai, trại Tha Luan v.v…

Năm 1988, nhận lời mời của Hòa thượng Tuyên Hóa, nhiều lần Ngài đến thuyết giảng kinh pháp tại chùa Vạn Phật Thánh Thành và chùa Kim Sơn ở San Francisco. Trong năm này, Ngài còn điều hành phái đoàn gồm Giáo hội Phật giáo Khất sĩ, Hiệp hội Cứu trợ Tỵ nạn Đông Dương và Ban Đặc nhiệm Cộng đồng Bắc Cali đi thăm ủy lạo đồng bào Việt Nam tại các trại như: Site II North, Trại New Vietnamse Camp, Site II South ở Thái Lan. Cũng trong năm 1988, Ngài xuất bản giai phẩm Pháp Duyên (1988-1992).

Ngày 30 tháng 3 năm 1990, Ngài tham gia làm thành viên của Phong trào Phát huy Tinh thần Diên Hồng và là Thuyết trình viên tại Hội thảo nhân Đại lễ Tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương, tổ chức tại thành phố San Jose. Một sự kiện đáng nhớ cũng trong năm 1990, Ngài thành lập và làm Giám đốc Nhà Xuất bản Nguồn Sống.

Ngày 13-14 tháng 7 năm 1991, Ngài tham dự và làm Chủ tọa Đại hội An Việt Toàn cầu (An Viet International) tại Trung tâm Văn hoá Marcel Hicter – Bộ Văn hoá Pháp ngữ Vương quốc Bỉ, Bruxelles.

Năm 1992, Ngài là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám Luật, Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, Văn phòng II Viện Hoá Đạo, kiêm Vụ trưởng Vụ Xã hội, nhiệm kỳ I năm 1992-1995.

Tháng 10 năm 1992: Làm Trưởng phái đoàn Phật giáo tại Hoa Kỳ tham dự Đại lễ Cầu nguyện Hoà bình Thế giới và Việt Nam tại Toà Thánh Vatican, Roma, nước Ý.

Ngày 29 tháng 10 năm 1992, Ngài đại diện Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới hướng dẫn phái đoàn tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 18 và Đại hội Liên hữu Thanh niên Phật tử Thế giới lần thứ 9 tại Phật Quang Sơn, Đài Loan.

Năm 1993, Ngài làm Sáng lập viên và cũng là Chủ tịch Hội đồng Hợp tác Tôn giáo Bắc California, nhiệm kỳ I năm 1994 – 1995.

Ngày 18-19 tháng 10 năm 1994, Ngài tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 19 tại Bangkok, Thái Lan. Trong dịp ngày, Ngài tiếp kiến Vua Bhumibol Adulyadej và Vua Sãi Phra Mahakana Namthamma Panyathiwat.

Ngày 28 tháng 3 năm 1998, trong Đại lễ Kỷ niệm lần thứ 53 năm, ngày đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai đạo, tại thành phố Westminster, California, Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới chính thức tấn phong Ngài lên hàng Giáo phẩm Hoà thượng.

Năm 1999-2000, Ngài tổ chức nhiều phong trào, chương trình vì lợi ích cộng đồng tại hải ngoại.

Ngày 31 tháng 3 năm 2001, Ngài được suy cử làm Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Đoàn kết Hải ngoại, được thành lập và công bố tại Công trường La Fayette trước Toà Bạch Ốc, thủ đô Washinton.

Năm 2002-2003, Ngài vận động Phật tử và cộng đồng, các hội đoàn, các đoàn thể, tôn giáo để cứu trợ, uỷ lạo đồng bào bị thiên tai bão lụt ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Năm 2004-2006, Ngài liên tục tổ chức các Đại lễ Phật giáo như Lễ Vu lan, Lễ Phật đản, Lễ Tưởng niệm đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, xiển dương tinh thần lục hoà trong Phật giáo. Để mở rộng công cuộc hoằng pháp lợi sanh, Ngài lên dự án thành lập “Đoàn Du Tăng Thế giới” được đông đảo chư Tăng và Phật tử đồng thuận.

Ngày 29 tháng 9 năm 2006, Ngài Chứng minh Đại lễ Tưởng niệm 50 năm Bồ-tát Ambedkar tại tỉnh Nagpur, Ấn Độ, có trên năm triệu (5.000.000) người tham dự.

Ngày 01 tháng 10 năm 2006, tại Đại Giới đàn Ambedkar, Hòa thượng cùng với Đại sư Nhật Bản chứng minh truyền giới xuất gia gieo duyên cho hơn sáu ngàn (6000) Phật tử.

Ngày Rằm tháng 7 năm 2007, nhân Đại lễ Tự tứ – Vu lan, Ngài tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Thế kỷ 21 Phật Giáo cho Hoà Bình” tại Tịnh xá Pháp Duyên. Chư Tôn đức Tăng thuộc các quốc gia như: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Bangladesh, Việt Nam, v.v… quang lâm tham dự Đại lễ và Hội thảo. Trong dịp này, Ngài chính thức tuyên bố thành lập “Đoàn Du Tăng Thế giới” và chư Tôn đức Tăng trong đại hội tôn cử Hoà thượng làm Trưởng đoàn.

Từ sau ngày 8 tháng 9 năm 2007, Hòa thượng dừng nghỉ Phật sự của Giáo hội, trở về với Phật sự Hoằng pháp, vận động nhân sự thành lập Đoàn Du Tăng Thế giới (The World Itinerant Monk Congregation) và chờ ngày khởi hành.

Năm 2008, Ngài làm Trưởng phái đoàn Phật giáo Tăng-già Việt Nam và Ấn Độ tham dự Hội nghị Nhân quyền tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) từ ngày 5-7 tháng 9 năm 2008.

Ngày 29 tháng 4 năm 2009, tại Tịnh xá Pháp Duyên (thành phố San Jose), Ngài và chư Tôn đức Tăng khai lễ cầu nguyện Tam bảo chứng minh và sau Lễ Cúng dường Trai Tăng đã khởi sự lên đường hành đạo từ San Jose đến miền Nam California, El Paso, Arizona, Texas, Houston, Dallas, Austin, San Francisco, Sacramento, Oakland, Stockton, v.v…

Ngày 31 tháng 10 năm 2009, Ngài nhận Bằng Tiến sĩ Danh dự TRIPITAKA MAHAPANDIT (Doctor of Tripitaka) tại Hội nghị Thanh niên Phật giáo Thế giới (WORLD BUDDDHIST YOUTH CONFERENCE), tại Thánh tích Bồ-đề đạo tràng, Ấn Độ (Bodhgaya, India).

Từ ngày 10-12 tháng 9 năm 2010, Ngài làm Trưởng Ban Tổ chức kiêm Chủ tọa Đại hội Đoàn Du Tăng Thế giới kỷ niệm Đệ Nhứt chu niên tổ chức tại thành phố Sacramento, Thủ phủ tiểu bang California.

Ngày 14 tháng 7 năm 2011, Tịnh xá Pháp Duyên, trụ sở Đoàn Du Tăng Thế giới chính thức chuyển về thành phố Fresno, thuộc tiểu bang California. Ngài cũng có hoài bão sẽ phát triển nơi này trở thành Tổ đình Giác An cho chư Tăng Ni Khất sĩ, và là Trung tâm Sinh hoạt Phật giáo cho Phật tử và cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại.

Ngày 14 tháng 11 năm 2015, nhân Đại lễ Bách nhật cố Đại lão Hoà thượng Pháp chủ Giác Nhiên tại Tổ đình Minh Đăng Quang, Hội đồng Giáo phẩm Phật giáo Khất sĩ hải ngoại suy tôn Ngài lên ngôi vị Pháp chủ, lãnh đạo tối cao Giáo hội Phật giáo Tăng-già Khất sĩ Thế giới.

Năm 2016, Ngài đã tổ chức trọng thể Lễ Vu lan tại Tịnh xá Pháp Duyên ở thành phố Fresno, tiểu bang California với sự tham dự của hơn 400 Tăng Ni, Phật tử.

V. SỰ NGHIỆP TRƯỚC TÁC

Ngoài thời gian lãnh đạo, hoạt động Phật sự, Hòa thượng còn dành thời gian viết sách, sáng tác thơ văn hoằng pháp để lại bút tích cho hậu nhân. Hiện nay, có hơn 20 tác phẩm gồm thơ, kệ, văn xuôi dưới bút danh Giác Lượng đã được ấn bản. Còn có 10 tác phẩm gồm các thể loại, truyện thơ, tham luận, văn kiện chưa xuất bản.

Dưới bút hiệu Tuệ Đàm Tử, một số thi phẩm và luận giải được xuất bản ở Sài Gòn và hải ngoại. Ngài đã viết lời tựa, lời giới thiệu, lời cảm nhận cho hơn 30 tác phẩm của nhiều tác giả là nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ.

Một số tác phẩm đã xuất bản:

  1. Tài đức giao tranh (thơ, 1965). Tái bản 6 lần (Việt Nam – Hoa Kỳ).
  2. Đem về nguồn hạnh phúc (thơ, 1969). Tái bản 4 lần (Việt Nam – Hoa Kỳ).
  3. Đất Việt thơ người Việt (thơ, 1970). Liên Hoa xuất bản lần đầu 3.000 cuốn.
  4. Cánh phượng non hồng, Trụ Vũ xuất bản tại Sài Gòn, 1974.
  5. Tràng chuỗi Vu lan, xuất bản tại Việt Nam 1971, tái bản tại Hoa Kỳ.
  6. Nói chuyện đạo tại Palawa, xuất bản tại Hoa Kỳ, 1982.
  7. Lưu kỷ, Nguồn Sống xuất bản năm 1991, tái bản tại VN năm 1994.
  8. Tiểu thừa biện minh luận, Nguồn Sống xuất bản, 1994.
  9. Nghi thức tụng niệm thông dụng (soạn theo Nghi Khất sĩ, thơ văn, dày trên 500 trang). In năm 1984, tái bản năm 1987.
  10.  Nguồn duyên đạo lý (thơ), Nguồn Sống xuất bản, 2000.
  11.  Nguồn thơ đạo tình (thơ), Nguồn Sống xuất bản, 2000.
  12.  Những cánh hoa thơ (tập I), Nguồn Sống xuất bản, 2001.  
  13.  Những cánh hoa thơ (tập II), Nguồn Sống xuất bản, 2003.
  14.  Thông điệp hòa bình (Trường ca thi phẩm), 2005.

Một số tác phẩm Ngài cùng tham gia:

1) Nhận diện trong tác phẩm, Nhà xuất bản Việt Nam, (tập 1) (1940-1970), Cẩm Sa Sơn Châu xuất bản tại Sài Gòn, 1970.

2) Đồng tâm hội bút, thi phẩm “Làng thơ hải ngoại”, 1987-1988.

3) Lửa thiêng Diên Hồng, 1991.

4) Tuyển tập thơ văn “Hoa Vàng”, 50 tác giả hải ngoại, 2003.

5) Phật Việt thi tuyển, 2003.

6) Tuyển tập thi văn viễn xứ “Tình thơ”, 45 tác giả hải ngoại, 2005.

7) Cụm hoa tình yêu: IV – 1998, V, 1999, VI-2000, VII-2002, XV-2014.

8) Một phía trời thơ I (Thi đàn Lạc Việt, 1995), 37 tác giả hải ngoại.

9) Một phía trời thơ II (1997), 38 tác giả. 49 tác giả hải ngoại.

VI. GIAI ĐOẠN CUỐI ĐỜI

Vài năm trở lại đây, sức khỏe của Hòa thượng yếu dần, song ngày ngày ngoài giờ tu niệm, Ngài vẫn miệt mài điểm lại thư tịch, sáng tác, nhắc nhở Phật tử tu hành. Đầu Xuân Đinh Dậu (2017), Ngài đã tặng cho chư Tăng Ni và Phật tử bài thơ Xuân sâu sắc, trong đó dường như trao gởi trọn niềm tâm tư đối với Phật pháp và cuộc đời phụng hiến của mình.

Mừng Tết Đinh Dậu năm nay,

Phật tử tứ chúng tỏ bày niềm vui.

Gieo duyên tác phước tô bồi,

Cúng dường Tam bảo, xây ngôi đạo tràng.

Pháp Duyên Tịnh xá mở mang,

Trùng hưng Chánh pháp Minh Quang rạng ngời.

Chơn lý – Ngọn đuốc sáng soi,

Mười phương thế giới đời đời vĩnh miên…

Lòng thành ngưỡng vọng chư thiên,

Ngày Tổ vắng bóng, mọi miền khắc ghi.

Tổ chức Tưởng niệm năm nay,

Nguồn chơn linh ứng hiển bày niềm thiêng.

Kiếp trần Giác Lượng tròn duyên,

Phụng hành Chánh pháp như nguyền chân tâm.

Từ đầu tháng 11 năm 2020, cỗ xe tứ đại thật sự mỏi mòn, hơn 80 năm hạ tiễn thu sang, thuận theo quy luật của vũ trụ tạo hóa, Trưởng lão Hòa thượng đã thâu thần viên tịch vào lúc 21 giờ ngày 30/11/2020 (giờ California, Mỹ Quốc), tương ứng lúc 12g30 ngày 17 tháng 10 năm Canh Tý (giờ Việt Nam), trụ thế 86 năm, hạ lạp 54 năm.

Trong suốt 20 năm tu học tại quê nhà, Ngài đã đóng góp tích cực nhiều mặt cho sự phát triển của Giáo đoàn III và Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam (tiền thân của Hệ phái Khất sĩ). Tròn 40 năm hành đạo tại Hoa Kỳ, Ngài đã dấn thân hoằng dương giáo pháp, tổ chức ủy lạo, sáng tác thi ca, góp phần rất lớn cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam tại Mỹ Quốc.

Trưởng lão Hoà thượng Giác Lượng với hạnh từ bi – hòa áihạnh kiên nhẫn – nhu nhuyếnhạnh tinh tấn – nhiệt huyết, và trí tuệ đã tu tập và phụng sự nhân sanh theo tôn chỉ của Tổ Thầy. Ngài thường nhắc nhở tứ chúng: “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “Đạo pháp còn là dân tộc còn, đạo pháp không lìa dân tộc.” Tâm nguyện và bản hoài trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Ngài mãi sáng soi cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử hậu học noi theo.

NAM-MÔ GIÁC LINH TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC LƯỢNG THÙY TỪ CHỨNG GIÁM

Previous Article

Cáo Bạch Tang Lễ: Đức Trưởng Lão Hòa thượng Thích Giác Lượng Tân Viên Tịch

Next Article

BAN TANG LỄ CỐ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC LƯỢNG (1935-2020)

You might be interested in …

Video: Cội Nguồn Khất Sĩ

Phim tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển của hệ phái Khất sĩ, một trong những thành viên sáng lập GHPGVN, cũng như lược sử cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư […]